Nhận định Tống_Nhân_Tông

Tự bi của Tống Nhân Tông ở đình Lan Lăng.

Khen ngợi

Trung Quốc kể từ thời kì Xuân Thu Chiến Quốc, thì triều Tống được coi là triều đại có nền chính trị khoan hòa. Mặc dù liên tục phải đối phó với họa ngoại xâm nhưng ở bên trong triều đình ít có những biến động lớn. Sự kiện ánh nến tiếng rìu, hay những nạn quyền thần thời Nam Tống, đều chỉ là những âm mưu chính trị trong nội bộ và không dẫn đến những vụ thảm sát lớn như tru diệt công thần thời Hán, Sự biến Hà Âm thời Nam Bắc triều, Sự biến cửa Huyền Vũ đời Đường hay Tứ đại án đời Minh. Từ khi Tống Thái Tổ dùng rượu giải binh quyền mà tránh được tiếng thảm sát công thần, nhưng cũng thâu tóm được binh quyền về tay hoàng đế. Những năm về sau Thái Tông, Chân Tông rồi Nhân Tông thi hành đường lối trọng văn khinh võ, còn thực hiện nghiêm lệnh cấm tiệt các đại thần gây gổ xích mích mà nhục mạ hay đánh nhau ở chốn công cộng, cấm chỉ văn tự ngục (trừ trường hợp thông địch phản quốc). Tống Nhân Tông lên ngôi, càng tôn sùng việc học văn, sùng bái Nho gia kinh điển. Chế độ khoa cử ở thời kì của ông rất phát triển; ông đặt ra lệ dùng Tứ thư: Đại học, Luận ngữ, Trung dung, Mạnh Tử làm tư liệu học tập tối quan trọng của sĩ nhân trong thiên hạ. Giai đoạn trị vì của Tống Nhân Tông được coi là thời kì phát triển rực rỡ về kinh tế, văn hóa của thời Tống. Rất nhiều học giả đương thời và hậu nhân Âu Dương Tu, Tư Mã Quang, Vương An Thạch, Tăng Củng, Hồ An Quốc, Lưu Quang Tổ, Chu Tất Đại, Dương Vạn Lý, Trần Tuấn Khanh, Lưu Khắc Trang, Văn Thiên Tường... đã ca ngợi thời của 40 năm trị vì của ông là "thịnh trị", so sánh với Trinh Quán, Khai Nguyên thịnh thế đời nhà Đường.

Năm 1059, tể thần Phú Bật xin dâng phong hiệu cho Nhân Tông thêm bốn chữ "Đại Nhân Chí Trị", song ông từ chối. 4 năm sau khi ông mất, triều đình đã dùng chữ Nhân này để đặt miếu họ cho ông[92].

Tống Nhân Tông cũng là ông vua hết sức tiết kiệm và có đạo đức. Một đêm ông thèm ăn thịt dê nhưng ông cố nhịn, sáng mai tâm sự với viên thái giám thân tín rằng: đêm qua Trẫm thèm ăn thịt dê quá. Viên Thái giám vội tâu: ấy chết! bệ hạ thèm ăn thịt dê sao không bảo bọn ngự trù làm đêm hôm qua cho Hoàng thượng dùng. Nhân Tông nói: nếu đêm qua trẫm gọi sợ làm phiền bọn ngự trù phải thức dậy chuẩn bị thịt dê cho Trẫm, hơn nữa chiều bản thân mình quá cũng không phải là điều hay. Bữa ăn của ông hầu hết là thanh đạm, có khi vào dịp lễ tết, ông nhận thấy món thịt cua mà mình ăn trị giá tới 1000 lạng bạc, từ đó kiêng không ăn món này nữa[99].

Tống sử khen ngợi Tống Nhân Tông như sau

Nhân Tông ở ngôi 42 năm, bỏ kẻ lười biếng, ghét kẻ tàn ác khắc nghiệt; hình pháp khoan dung, hình ngục ít thấy có sự oan trái. Trong nước ít có tệ nạn, nhưng chưa đến mức trị thế chi thể; triều đình thường ít có tiểu nhân, nhưng chưa được đến mức thiện loại chi khí. Quân thần trên dưới có lòng kính sợ, chính trị trung hậu; là tiền đề cho cơ đồ 300 năm của Tống[98], hay "Bốn mươi hai năm, có thể nói là thời kì trong nước đại trị.".

Học giả triều Bắc Tống Thiệu Bá Ôn nhận định: "Đế biết thực hành những điều trị nước: chọn tể tướng, dùng than gián, sợ trời yêu dân, giữ pháp độ tổ tông. Tể phụ Phú Bật, Hàn Kì, Văn Ngạn Bác, Thai gián có Đường Giới, Bao Chửng, Tư Mã Quang, Phạm Trấn, Lữ Hối Vân. Than ôi, thời Chu Thành, Khang; Hán Văn, Cảnh cũng chưa từng có được như thế.

Chính luận gia Bắc Tống Trần Sư Tích hoài niệm về nền thịnh trị thời Nhân Tông

Tống triều dựng nước khoảng hơn 50 năm, coi là thái bình, hưởng quốc lâu dài, quốc dân tín nhiệm, không gì được như đời Nhân Tông hoàng đế... Thời Khánh Lịch, Gia Hựu chi trị là thời cực trị của bổn triều, vượt qua Hán Đường sánh ngang Tam Đại.

Đại văn hào Tô Thức:

Tống triều lập quốc hơn 70 năm, dân không biết binh đao, giàu sang lễ giáo, tới đời Nhân Tông Thiên Thành, Cảnh Hựu là tối cao.

Danh nhân Nam Tống Vệ Kính viết: Gia Hựu chi trị, trước đó chưa thời nào bằng được.

Chỉ trích

Vương Phu bình luận Tống Nhân Tông là người không có ý chí. Không kể 11 năm đầu bị Chương Hiến thái hậu áp chế; thì Nhân Tông cai quản triều chính cũng hơn 30 năm, đại thần lưỡng phủ, tể chấp liên tiếp bổ dụng rồi thay đổi trong sớm tối. Chính trị thì khoan hoà quá mức, pháp luật không thi hành thực sự nghiêm cẩn, phương lược trị quốc từ cải cách chuyển sang bảo thủ ngày một ngày hai thay đổi khiến quân dân không biết sao mà thích ứng[100]. Thời kì cải cách Khánh Lịch, Nhân Tông khởi dụng Âu Dương Tu, Dư Tĩnh, Vương Tố làm Gián quan; có đại thần khuyên ông

Triều đình tăng số gián thần; Tu, Tĩnh nhận chức trong một ngày, là một cái hay. Nhưng bổ dụng người can gián không khó, nghe lời can gián mới khó. Ba người trung thành tắc chính, tất sẽ nói ra những lời thẳng. Thần sợ có tà nhân gây chuyện bất lời. Nếu có kẻ đó xin bệ hạ giết chúng đi, để thiên hạ biết quan can gián không phải là hữu danh vô thực.

Sau đó còn chỉ trích thẳng vua: Khoan nhân thiếu quyết đoán, không thích nghe lời nói thẳng, không tỏ đủ uy quyền.[101]

Khi Nhân Tông nắm quyền, mặc dù ông đã có những cố gắng, như thực hiện Khánh Lịch tân chính, nhằm củng cố quân đội và kinh tế nhưng vẫn phải chi những khoản cống nộp lớn (cho dù sử sách Trung Hoa viết khác đi, như là "ban thưởng") cho cả nhà Liêu cũng như Tây Hạ, với hy vọng điều này sẽ đảm bảo sự an toàn cho triều đại của mình. Đây cũng có những hiệu quả - như cục diện chân vạc nói trên - nhưng lại làm nghèo nàn quốc khố đi.

Tuy nhiên, chính sách này phải trả một giá đắt. Để có tiền cho những khoản chi tiêu lớn thì thuế má đã tăng lên khủng khiếp và những người dân trung và hạ lưu của nhà nước này phải sống trong cảnh khó khăn kinh niên. Thuế má chủ yếu lấy từ Thiểm Tây và quan cảnh phía Bắc, vì Giang Nam có quá nhiều quyền quý vương tử nên thuế không thể mạnh tay.

Tuy nhiên cũng có một số quan điểm có phần quá khích, nặng tay của một số người viết sách đời sau, kiểu như[102]

Hồ đồ nhu nhược, không có thực quyền. Không có tinh thần chiến đấu, cắt đất và cống nạp để cầu hòa. Mở rộng đường làm quan, quan lại vô dụng trong triêù quá nhiều. Thuế khóa tăng, tài chính cạn kiệt.